Các lưu ý và cách sử dụng lò nướng và lò vi sóng Chi tiết tin tức

Các lưu ý và cách sử dụng lò nướng và lò vi sóng

01/Jul/2024

Ngày nay, lò nướng đã trở thành một sản phẩm phổ biến trong căn bếp của các gia đình. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thắc mắc về chiếc lò đa năng này. Ngay sau đây, Giadungeus sẽ giải đáp “1001 câu hỏi” xoay quanh vấn đề chiếc lò nướng.


Lò nướng hay lò vi sóng???

Lò nướng có thể thay thế lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Chính vì vậy nếu như bạn đang băn khoăn giữa việc mua lò nướng và lò vi sóng thì bạn có thể tạm dừng trăn trở này, vì lò nướng đã mang chức năng của một chiếc lò vi sóng rồi.


Lò nướng có mấy loại?

Có 2 cách để phân loại lò nướng:
-    Lò nướng có đối lưu và lò nướng không đối lưu: lò nướng thông thường nhỏ hơn và không có quạt đối lưu, thường chỉ dùng nướng một số đồ ăn cỡ nhỏ như khoai tây nướng hay gà đã chặt nhỏ. Lò nướng đối lưu sử dụng một quạt đảo chiều, còn gọi là quạt đối lưu, có tác dụng giúp nhiệt lượng trong lò tỏa đều làm thức ăn chín đều hơn và nhanh hơn.
-    Lò nướng âm và lò nướng dương:

Hình ảnh Lò Nướng Âm, kích thước 60x60x60cm, dung tích 60l

Lò nướng dương, dung tích 42l

Những lưu ý nào khi sử dụng lò nướng?

- Vị trí đặt lò: Lò nướng nên được đặt ở vị trí ngang tầm mắt, tốt nhất là nơi rộng rãi trên kệ bếp, sao cho bạn dễ dàng thao tác khi sử dụng, không phải cúi xuống hoặc với lên cao khi cần xem thức ăn trong lò hoặc cần lấy thực phẩm ra. Không gian xung quanh lò cũng cần phải thoáng, bạn nên đặt lò sao cho hai bên thành lò và vách lò phía sau phải cách tường ít nhất 10 cm. Phía trên trần lò cũng phải thoáng.
- Quy tắc an toàn:
+ Khi lắp đặt phải đảm bảo là công suất điện sử dụng tương thích với chỉ dẫn nằm sau lò nướng và dây điện chịu được tải điện được nối vào lưới điện. Không để các phần liên quan tới điện/ điện tử bị dính nước.
+ Có một số loại đồ chứa thực phẩm (chén, bát, khay…) bạn không được cho vào lò nướng như các loại đồ nhựa, đồ kim loại, đồ sứ có viền kim loại, hộp xốp, túi giấy, đồ gỗ, bao nilon. Đồ kim loại có thể gây ra tia dẫn điện gây cháy nổ lò, hộp nhựa và bao nilon có thể bị mềm chảy hoặc tạo ra các chất độc hại dính vào thức ăn, đồ đựng bằng gỗ sẽ bị nứt hoặc thậm chí cháy. Đồ chứa thực phẩm sử dụng được trong lò nướng là thủy tinh chịu nhiệt hoặc gốm, sứ, sành (những vật liệu này cũng dùng được trong lò vi sóng).
+ Đồ sành, sứ, thủy tinh mặc dù đều có khả năng chịu nhiệt cao nhưng bạn cần lưu ý không được tạo ra tình trạng sốc nhiệt: nếu muốn hâm nóng một tô sứ đựng đồ ăn cũ vừa lấy ra khỏi tủ lạnh, bạn nên để bên ngoài ít phút rồi lấy khăn lau lớp mồ hôi bên ngoài tô trước khi cho vào lò nướng, tránh cho tô sứ khỏi bị nứt vỡ do sốc nhiệt.
+ Nhiệt độ trong lò nướng rất cao nên tuyệt đối không chạm tay vào lớp kính ở cửa lò. Bạn nên sử dụng kẹp gắp và bao tay dày khi cần kéo khay nướng ra ngoài. Cũng cần lưu ý tránh luồng hơi nóng phả ra khi mở cửa lò, không để trẻ em đứng gần lò nướng cũng như không cho trẻ em mở cửa lò.


Cách sử dụng lò nướng sao cho hiệu quả?

Mỗi loại thực phẩm sẽ cần mức nhiệt khác nhau khi đưa vào lò nướng.
+ Với các món thịt như gà, bò, heo, bạn nên để mức nhiệt cao nhất (mức nhiệt cao nhất ở các lò nướng thường là 250 độ C, một số ít dòng cao cấp có mức nhiệt cao hơn). Với cá nướng nguyên con, bạn nên đặt mức khoảng 200 độ C vì da cá khá dễ cháy, có thể cháy bên ngoài mà chưa chín bên trong. Bạn có thể dùng giấy nhôm để đậy lên mặt thịt khi phần da đã cháy mà thịt chưa chín, tuy nhiên lưu ý không để chạm vào thanh nhiệt của lò vì giấy nhôm sẽ bị nóng chảy. Nếu có tẩm mật ong, nên giảm bớt nhiệt độ nướng và chỉ nên phết mật ong khi thịt đã gần chín.
+ Với các loại rau quả, bạn nên đặt mức nhiệt từ 150-170 độ C để tránh mất vitamin. Nếu định làm món gà nướng rau củ chẳng hạn, bạn nên nướng gà trước, đến khi gần chín thì cho rau củ vào nướng cùng.
+ Với các loại bánh, bạn cần tuân thủ đúng mức nhiệt được nêu trong công thức. Càng những loại bánh khó làm thì càng đòi hỏi sự chính xác về nhiệt độ. Nếu lò nướng của bạn có nhiệt độ không ổn định, bạn cần rút kinh nghiệm qua mỗi lần nướng bánh để điều chỉnh nhiệt cho thích hợp.
+ Bạn cần làm nóng lò khoảng 5-10 phút trước khi đưa thực phẩm vào nướng, việc này giúp thực phẩm ngay lập tức được tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ giúp món ăn ngon hơn. Thường thì thực phẩm nguội và lạnh nên ngay cả khi bạn đã làm nóng lò trước thì khi đưa thực phẩm vào cũng sẽ làm giảm nhiệt độ trong lò, do đó nếu không làm nóng lò trước, thực phẩm sẽ mất nhiều thời gian hơn mới chín và món nướng sẽ mất độ giòn do bị chảy nước khi nhiệt độ không đủ lớn. Nếu bạn nướng bánh, nhất là những loại bánh cần nở cao như gateaux thì bánh sẽ không đạt độ nở cần thiết khi lò không được làm nóng trước.
+ Bạn cũng có thể đặt mức nhiệt tối thiểu (thường là 100 độ C) khi cần sấy thực phẩm, ví dụ sấy snack, hoặc sấy các loại bánh quy, bánh mì đang bị nguội, ỉu, chúng sẽ nhanh chóng giòn tan. Hoặc bạn có thể sấy hạnh nhân lát cho chúng chín vàng trước khi làm món bánh quy hạnh nhân, ăn sẽ thơm ngon hơn…
Chắc hẳn quý khách của Giadungeus đã hiểu nhiều hơn về lò nướng. Nếu còn thắc mắc nào hãy liên hệ với Giadungeus, chúng tôi sẽ trả lời giúp bạn.